21/11/24
Thất bại ngọt ngào
Nhận giấy báo kết quả thi, hình ảnh cánh cửa đại học lòa xòa trước mặt, bố mẹ ôm tôi vào lòng vì vui sướng. Tôi cười như lẽ thường tình. Đáng ra lúc này tôi đang leo lên đỉnh ngọn của cái cây hạnh phúc mà nhìn mọi thứ bằng cặp mắt biếc nhưng tự dưng tôi thấy mình hụt hẫng như đang rơi, đang rơi. Hình ảnh về Hà Nội, về cánh cửa đại học và cả người con trai ấy thoáng vụt qua rồi chìm khuất sau một nỗi đè nén đau đớn đến nghẹt thở. Rốt cuộc tôi sao vậy?
Hà Nội, Hà Nội – nơi chốn chẳng quá xa lạ với một con bé sống suốt tháng năm ở cái đô thị phồn hoa nhất đất nước nhưng người con trai đến từ chốn ấy xa xôi quá, làm sao có thể nắm bắt và ghì siết lấy? Đã tuột đi lâu rồi những kỉ niệm xưa cũ nhưng những dấu vết hằn in chỉ như vừa mới hôm qua.
Chọn trường thi ở đầu kia đất nước, là tôi chọn. Tôi khăng khăng đòi bố mẹ đồng ý vì những lí do ít thuyết phục. Cả bố, cả mẹ sẽ không bao giờ biết lí do thực sự. Tôi đã chủ động từ đầu đến cuối như vậy nhưng lúc này chân tôi chùn lại. Chút lòng kiêu hãnh đã tổn thương còn rơi rớt cũng chùn lại vì sợ mất nốt đi. Thực ra trước ngày báo kết quả thi ít ngày, tôi đã lo mình đậu vào trường đại học ngoài Bắc. Tôi bắt đầu sợ khi đặt chân đến miền đất gắn bó với người tôi yêu thương, tôi sẽ không cất nổi nhung nhớ mà nhọc công kiếm tìm anh mặc cho những tình cảm của tôi có lẽ chưa bao giờ khiến anh bận lòng dù nhiều dù ít.
Chuyến này tôi ra Hà Nội không độc hành mà hóa ra độc hành. Bố mẹ tỏ ý lo lắng nhưng vững tin vào cái tia cương nghị ánh lên lấp lánh trong mắt cô con gái nhỏ. Huống hồ đi cùng tôi còn có Bình – là bạn, là anh trai theo tôi không rời nửa bước. Tôi và Bình chơi với nhau từ nhỏ. Trong mắt nhiều người, kể cả bố mẹ tôi, chúng tôi thực sự hợp – hiểu và đích thực là một cặp nhưng với tôi thì không. Tôi biết chắc Bình không phải người tôi muốn sẻ chia, không phải người tôi muốn yếu đuối lúc ở cận kề dù có lẽ, Bình luôn tình nguyện để tôi như vậy. Hơn nữa cái ý nghĩ rằng Bình vô tình biết về bí mật của riêng tôi, hiểu tường tận rằng lòng kiêu hãnh của tôi đã tổn thương ngần nào khiến tôi khó chịu vô cùng khi đối diện. Ngay cả lúc này, tại phòng chờ sân bay, khi những ồn ào, nóng bức làm ánh mắt mệt mỏi thêm và giấu nhẹm đi mọi cảm xúc, Bình vẫn nói như nhìn thấu tất cả:
- Có lẽ Bình biết vì sao Thư chọn Hà Nội rồi!
- Còn Bình, Bình thì sao? – tôi nhìn thách thức, cố giấu đi chỗ yếu điểm mà tôi lo sợ bị người khác phát hiện. Nhưng Bình không để tôi phải lo sợ hơn nữa mà chỉ nhẹ nhàng, thú nhận lần thứ một nghìn những lời nói ấy:
- Thư biết sao còn hỏi? Còn người đó thì sao? Anh ta có biết Thư như Bình không?
- Sao gì mà sao? – tôi vênh mặt đáp ngang bướng, cố kết thúc nhanh chóng cuộc đối thoại hết sức ẩm ương này nhưng vẫn không quên câu hỏi của Bình: Người đó thì sao?. Bốn chữ ấy ngân dài trong lòng tôi niềm hoang hoải vô bờ. Bình phải biết chứ, biết hơn tôi kia vì Bình tỉnh táo hoàn toàn nên không có khả năng ôm một vài thứ hão huyền dù kì thực, có lẽ tôi cũng không như vậy. Tôi chọn Hà Nội làm gì đây? Hi vọng điều gì cho con tim đau nhói và cả vùng kiêu hãnh đã tổn thương không thể nào cứu vãn. Nhưng được, hãy cứ chờ xem, lòng kiêu hãnh nhất định lành nguyên dù tim đau nhường nào vì tôi vốn là một đứa không thể nào sống thiếu lòng kiêu hãnh, tưởng như mệt mỏi muốn chết thì thứ đó vẫn còn.
Tôi tự trách mình tại sao ngày ấy lại để anh bước vào cuộc sống của tôi dễ dàng như thế, để anh biết rõ nơi yếu mềm nhất của trái tim mình là tình yêu dành cho anh. Dù anh chẳng bao giờ lợi dụng điểm yếu đó để khiến tôi thương tổn thêm nhưng mặc cảm về những xúc cảm đã hé mở mà không được đáp đền vẫn khiến tôi ấm ức như đứa trẻ đầy ương bướng không dành được thứ mình mong muốn. Tôi không trách anh không dành tình cảm cho tôi, mỗi người có quyền chọn lựa riêng, ít ra tôi cũng là một đứa hiểu chuyện ít nhiều nhưng giá mà ngày ấy tôi thông minh hơn một chút để nhận ra tôi không phải là người anh cần kíp và dằn lòng được những xúc cảm của mình trước người con trai cũng kiêu hãnh chẳng kém gì tôi…
Tôi gặp Thành vào một chiều Sài Gòn mưa nhiều, mảng kí ức xám bạc màu mưa rất gần đây thôi vẫn luôn chập chờn ẩn hiện. Vài hôm sau, tôi biết anh là giáo sinh thực tập tại trường phổ thông tôi đang theo học, lại phụ trách đúng lớp của tôi. Cơ duyên nào đưa chàng trai như Thành đến một nơi chốn khá xa xôi như vậy, tôi không hiểu được và cũng không cần biết làm gì. Quãng thời gian đó thực sự quá đẹp đến độ sau này trong những cơn đau nhức nhối tâm can, tôi không dám nghĩ lại vì sợ những mảng kí ức xô lệch vào nhau rồi sẽ vỡ tan tành, bung bét.
Tôi không biết cơ duyên nào khiến tôi gặp được Thành rồi yêu anh nhưng sống ở trên đời, tôi tin con người ta bị lương duyên ràng buộc, nhất là những yêu thương. Trưa đó, Thành xuất hiện ở nhà tôi, anh đứng phía sau mẹ một góc xa xa. Thành là con trai một người bạn cũ, mẹ bảo vậy, anh sẽ ở gian phòng đối diện còn bỏ trống của nhà tôi hết kì thực tập. Tôi cười tươi đón anh và vô cùng hớn hở. Đáp lại, anh cũng cười nhưng mắt buồn thôi là buồn. Cái ánh mắt đó vẫn cứ ám ảnh tôi đến tận bây giờ và có lẽ rằng mãi mãi về sau.
Suốt kì thực tập, không hiểu Thành xa xôi thế nào mà mẹ không biết anh thực tập tại trường tôi theo học. Thời gian trên lớp không có nhiều, tôi lại khá chìm sau đám bạn nhắng nhít nên dường như tôi chưa bao giờ gọi anh một tiếng thầy xưng trò. Cũng chưa bao giờ tôi để cái khoảng cách thầy trò xen giữa mối quan hệ của cả hai. Với tôi, Thành là bạn, là anh trai và sau này tôi nhận ra, anh còn hơn cả một người đặc biệt.
Nói thật ra, Thành sống khép mình. Có lẽ sẽ không bao giờ tôi nhận ra điều đó nếu chỉ nhìn vào cái biểu cảm vui vẻ hết chỗ nói của anh trong những giờ lên lớp. Chỉ có những quãng thời gian trôi dần về vắng lặng, khi thoát khỏi dòng xe cộ đông đúc và cơn mưa chiều Sài Gòn bất chợt úp lên những cung đường bụi bặm khát nước, Thành mới yên ắng lạ thường, lặng lẽ rút một điếu trong bao thuốc méo sệch, mắt chăm chăm mà như vô định vào màn mưa giăng kín. Thấy anh vậy, ban đầu tôi tò mò hỏi:
- Sài Gòn đâu có chỗ cho tâm trạng này.
Thành quay ra, cái nhìn xoáy sâu vào mắt tôi rồi ngoảnh ra khoảng không tắp lự. Anh nhả khói rồi dập điếu thuốc đang cháy dở dưới chân mình:
- Tâm trạng gì? Sao em biết được?
- Vào soi gương đi. Hay để lần sau em chụp lại chàng nghệ sĩ trong một phút xuất thần. – tôi nói, giọng có chút giễu cợt. Thành bật cười khe khẽ, không thêm bất cứ lí lẽ gì rồi kéo tôi ra chỗ chiếc xe đạp cạnh lề đường đã tạnh ráo được chốc lát.
Nhưng rồi những chiều Sài Gòn mưa bất chợt, Thành vẫn vậy. Anh có thêm bộ đồ vẽ mới mua ở đâu đó. Thành giảng văn hay tuyệt và còn vẽ rất đẹp nhưng những bức tranh anh vẽ thì hoàn toàn là mưa, nhiều khi có bóng cô gái nào đó cầm chiếc ô mang màu sắc chói, nổi hẳn lên trong sắc xám xịt của màn mưa giăng kín . Đôi khi là một chàng trai, cũng dáng vẻ ấy, đơn độc phía con đường heo hút không có điểm dừng. Tôi dần nhận ra một mối quan hệ không trọn vẹn tiếp nối nhau trong những bức tranh ấy và niềm xót xa dâng đầy trong đáy mắt anh. Tôi vẫn vờ vui vẻ như một con bé không hiểu chuyện, quàng tay qua cổ anh:
- Mưa Sài Gòn vui lắm mà anh!
- Ừ…- Thành đáp lưng chừng – Từ chiều mai đi chơi đi, đừng có lén ngồi nhìn anh vẽ vời.
Tôi không để ý phía sau câu nói của Thành, một sự thôi thúc lạ kì khiến tôi buột miệng:
- Anh sẽ vẽ em trong những bức tranh kia chứ?